ONVIF là một chuẩn giao tiếp mở quan trọng trong ngành công nghiệp CCTV, được phát triển nhằm mang lại khả năng tương thích giữa các thiết bị giám sát, đặc biệt là camera IP, đầu ghi hình cùng các thiết bị CCTV khác.

Thống kê của onvif.org cho thấy các thành viên của diễn đàn ONVIF đã cung cấp hơn 30.000 profile với hàng triệu thiết bị đã được triển khai trên thị trường toàn cầu.

Được biết dòng sản phẩm VigorSwitch của DrayTek hỗ trợ quản lý các thiết bị ONVIF kể từ bản firmware 2.4.3. Ngoài việc quản lý, cấu hình và giám sát trạng thái thiết bị, các hình ảnh từ các camera IP có thể được hiển thị trên WebUI, giúp người quản trị theo dõi tình hình một cách tiện dụng, trực quan.

Lợi ích của ONVIF

Năm 2008, ONVIF được Open Network Video Interface Forum, một diễn đàn toàn cầu phi lợi nhuận do các công ty hàng đầu trong lĩnh vực camera an ninh như Axis Communications, Bosch và Sony hợp tác thành lập với mục tiêu phát triển và duy trì các chuẩn mở cho các thiết bị video mạng như camera IP và đầu ghi hình.

Việc ứng dụng chuẩn ONVIF giúp thiết bị của các nhà sản xuất khác nhau có thể tương thích và hoạt động cùng nhau mà không gặp vấn đề về kết nối hay phần mềm. Điều này mang lại sự linh hoạt hơn cho người dùng trong việc lựa chọn, tích hợp thiết bị vào hệ thống giám sát sẵn có, giảm thiểu rủi ro về tính tương thích và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Hiểu theo cách đơn giản, có thể xem ONVIF như một “ngôn ngữ” chung giúp các thiết bị trong ngành công nghiệp CCTV có thể “nói chuyện” với nhau.

Nhờ việc tiêu chuẩn hóa mà các thiết bị từ các nhà sản xuất khác nhau có thể phối hợp làm việc một cách đồng bộ mà không gặp vấn đề về tính tương thích. Người dùng có thể lựa chọn thiết bị dựa trên nhu cầu mà không bị giới hạn bởi hệ sinh thái của một nhà sản xuất cụ thể. Bên cạnh đó, ONVIF cũng cung cấp một nền tảng chung giúp việc kết nối và thiết lập các thiết bị hỗ trợ một cách đơn giản, nhanh chóng. Điều này cũng tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai.

Các profile ONVIF hiện tại

ONVIF phát triển các profile khác nhau để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính năng và bảo mật. Chẳng hạn:

  • Profile A tập trung vào chức năng cấu hình và quản lý thiết bị.
  • Profile C dành cho kiểm soát cửa ra vào và quản lý sự kiện.
  • Profile D cho việc kiểm soát truy cập thiết bị ngoại vi.
  • Profile G tập trung vào việc quản lý video lưu trữ và ghi hình, hỗ trợ các chức năng như tìm kiếm video và truy xuất dữ liệu.
  • Profile M liên quan cho siêu dữ liệu và sự kiện trong các ứng dụng phân tích.
  • Profile S cho camera IP và các thiết bị liên quan đến truyền phát video cơ bản.
  • Profile T hỗ trợ các tính năng truyền phát video nâng cao.

Hạn chế của ONVIF

Bên cạnh những lợi ích vượt trội, ONVIF cũng có một số điểm hạn chế cần lưu ý. Chẳng hạn:

Tính tương thích của thiết bị. ONVIF mang lại nhiều lợi ích trong việc xây dựng chuẩn giao tiếp giữa các thiết bị CCTV. Tuy nhiên ONVIF chỉ một chuẩn giao tiếp mở, không yêu cầu bắt buộc nên một số nhà sản xuất có thể triển khai theo cách riêng. Điều này gây ra sự khác biệt trong khả năng tương tác. Một số thiết bị chỉ đáp ứng được một phần nhỏ các tiêu chuẩn ONVIF, một số tính năng sản phẩm không khả dụng khi kết nối.

Thiếu tính năng nâng cao. ONVIF chủ yếu tập trung vào các tính năng cơ bản như truyền video, âm thanh, hoặc điều khiển PTZ (Pan-Tilt-Zoom). Những tính năng nâng cao như phân tích video thông minh (AI) thường không nằm trong phạm vi hỗ trợ, khiến việc tích hợp trở nên phức tạp hơn.

Vấn đề bảo mật. Mặc dù ONVIF giúp kết nối các thiết bị dễ dàng, nhưng nó có thể trở thành lỗ hổng bảo mật nếu không được triển khai đúng cách. Các thiết bị cũ hoặc không được cập nhật thường dễ bị tấn công thông qua giao thức ONVIF.

Nguồn tham khảo: onvif.org