Ưu điểm của bộ phát sóng Internet này là khả năng tự cấp nguồn qua cáp mạng, dễ cấu hình, cho phép lắp chắc chắn lên trần nhà, và hỗ trợ nhiều chế độ vận hành.
Có thể khẳng định, hai trong số loạt "điểm cộng" đầu tiên mà DrayTek VigorAP 910C nhận được từ Test Lab là sự đơn giản trong đóng gói của trọn bộ sản phẩm, và việc nhà sản xuất đã cung cấp một bộ phụ kiện "trên cả tuyệt vời" để qua đó có thể treo một cách thật chắc chắn bộ khuyếch đại sóng Wi-Fi này lên trần nhà hay vách, tường ngăn.
Chưa dừng lại ở đó, nhờ kiểu bố trí ngõ cấp nguồn (dùng qua adapter) và cổng mạng LAN ở mặt lưng cũng như tận dụng khoảng không gian bên trong của thiết bị, người dùng hoàn toàn dễ dàng giấu đi sự hiện diện của cáp nối, giúp tăng tính thẩm mỹ cho văn phòng hay ngôi nhà.
Về cơ bản, DrayTek VigorAP 910C là một thiết bị đóng vai trò điểm truy cập không dây (Access Point - AP) hỗ trợ đầu vào là tín hiệu mạng LAN, tuy nhiên VigorAP 910C cũng có khả năng khuyếch đại tín hiệu sóng của một mạng Wi-Fi khả dụng ở lân cận. Hay nói cách khác, DrayTek VigorAP 910C là một chiếc AP kiêm tính năng Repeater.
Theo thông số nhà sản xuất công bố, DrayTek VigorAP 910C hỗ trợ kết nối Wi-Fi chuẩn 802.11b/g/ và cả chuẩn AC1200, có khả năng tạo ra đồng thời 8 điểm truy cập không dây (SSID) trên 2 băng tần 2,4GHz và 5GHz (mỗi băng tần có 4 SSID).
Test Lab nhận thấy, VigorAP 910C xứng đáng là lựa chọn thích hợp cho bài toán phải bố trí thêm một (hay nhiều) thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi ở các vị trí của văn phòng hay ngôi nhà diện tích lớn mà vốn dĩ người dùng (cũng như đơn vị triển khai hạ tầng mạng) không còn sử dụng bất kỳ giải pháp nào để bổ sung ổ điện (dùng cấp nguồn cho chính thiết bị đó) bởi VigorAP 910C hỗ trợ chuẩn PoE 802.3af để có thể dùng chính cáp mạng để cấp nguồn.
Đại diện DrayTek cho biết VigorAP 910C tương thích với hầu hết bộ chuyển mạnh (switch) hay router hỗ trợ chuẩn PoE hiện được bán tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều dòng sản phẩm mạng mang thương hiệu DrayTek và TotoLink do công ty An Phát phân phối.
Dễ cài đặt
Test Lab thực sự đánh giá cao sự chắt lọc thông tin được DrayTek trình bày trong vỏn vẹn 4 trang tài liệu (kích thước cỡ lòng bàn tay) hướng dẫn cấu hình thiết bị bởi nhóm thử nghiệm chỉ sau gần 15 phút tham khảo đã có thể cấu hình VigorAP 910C kết nối thành công với router cấp đường ra Internet (sử dụng đường truyền cáp quang của 3 nhà mạng FPT, VNPT và Viettel) qua cáp mạng LAN.
Về cơ bản, có 4 cách để một người dùng (quản trị viên) kết nối lần đầu tiên với VigorAP 910C, tức đăng nhập vào trình điều khiển của thiết bị này.
Một lần nữa, DrayTek cho thấy tính tương thích gần như tuyệt đối giữa các dòng thiết bị mạng của nhà sản xuất này, khi người dùng có thể để truy cập trực tiếp đến giao diện điều khiển của VigorAP 910C từ bất kỳ router DrayTek nào hỗ trợ tính năng quản lý điểm truy cập không dây (AP Management), đơn cử như dòng sản phẩm Vigor2860 hay Vigor2925.
Về tính năng quản lý tập trung AP Management, Test Lab sẽ có bài giới thiệu sâu hơn đi kèm bài đánh giá chi tiết về các dòng router, switch của nhà sản xuất DrayTek trong thời gian tới.
Đối với vài dòng router DrayTek không hỗ trợ tính năng AP Management, như sản phẩm Vigor2830 thì người dùng có thể tận dụng tính năng tự động tìm kiếm thiết bị kết nối External Device Auto Discovery để có được địa chỉ IP của VigorAP 910C, sau đó dùng một trình duyệt web để mở giao diện điều khiển, cấu hình thiết bị với địa chỉ IP tương ứng.
Nếu sử dụng một router nhãn hiệu khác, thường do nhà cung cấp dịch vụ mạng gắn sẵn tại nhà của khách hàng hay văn phòng, người dùng chỉ cần dùng máy tính cá nhân để mở trình quản lý router lên (thường là giao diện web), sau đó đối chiếu danh sách thiết bị được router này cấp địa chỉ IP với địa chỉ MAC của VigorAP 910C (được in rõ ràng ở mặt sau thiết bị).
Cách cuối cùng nhưng có lẽ là đơn giản nhất, đó là người dùng nối trực tiếp máy tính với VigorAP 910C bằng cáp mạng, sau đó dùng trình duyệt web mở địa chỉ "cứng" mặc định của VigorAP 910C là 192.168.1.2. Lưu ý, khi này, card mạng trên máy tính của người dùng cũng phải có cùng lớp địa chỉ IP là 192.168.1.x.
Test Lab nhận thấy, 2 cách cuối cùng rất dễ thao tác, bất kể người dùng mà nhóm thử nghiệm chỉ định "xài thử" là cậu sinh viên cao đẳng CNTT vừa ra trường đang thử việc trong vai trò quản trị mạng cho một công ty nhỏ với chừng 30 nhân viên hay anh kiến trúc sư thế hệ 8X muốn tự tay cấu hình một thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi cho ngôi nhà 2 tầng của mình.
Đa năng và chuyên nghiệp
Ở giao diện điều khiển, ở lần sử dụng đầu tiên, người dùng có thể chọn tính năng Quick Start Wizard để VigorAP 910C hướng dẫn các bước cấu hình.
Ngay từ trình đơn "cầm tay chỉ việc" này, VigorAP 910C cho thấy thiết bị hỗ trợ nhiều chế độ "tác nghiệp" trên mạng không dây băng tần 2,4GHz như AP, Station-Infrastucture, AP Bridge-Point to Point, AP Bridge-Point to Multi-Point, AP Bridge-WDS và Universal Repeater.
Tuy nhiên, nếu ở mạng 2,4GHz mà người dùng đã chọn chế độ khuyếch đại sóng Wi-Fi (Universal Repeater), người dùng chỉ được chọn chế độ còn lại là AP cơ bản ở mạng 5GHz.
Ngay từ trang giao diện chính của trình điều khiển, người dùng có thể sử dụng tùy chọn Quick Start Wizard để cấu hình nhanh VigorAP 910C (nhấn vào để xem ảnh ở chế độ phóng to).
VigorAP 910C tự động đưa ra thông báo là không thể hỗ trợ chế độ Universal Repeater cho đồng thời 2 mạng Wi-Fi ở băng tần 2,4GHz và 5GHz (nhấn vào để xem ảnh ở chế độ phóng to).
Ngoài cách sử dụng trình hướng dẫn Quick Start Wizard, người dùng có thể thủ công thiết lập chế độ vận hành cho mạng Wi-Fi của từng băng tần thông qua mục Operation Mode.
Để kiểm thử các tính năng quan trọng trên DrayTek VigorAP 910C, Test Lab đặt kịch bản cho thiết bị này kết nối không dây vào một Wi-Fi router Cisco vốn trước đó được cấp quyền truy cập Internet từ modem do nhà mạng VNPT triển khai.
Ngoài ra, Test Lab cũng thiết lập kết nối VigorAP 910C trực tiếp với mạng không dây được phát ra từ modem tích hợp Wi-Fi router của nhà mạng FPT và Viettel.
Với mạng không dây thứ 1 (băng tần 2,4GHz), Test Lab thiết lập chế độ hoạt động/vận hành là Universal Repeater, và chế độ AP cho băng tần 5GHz.
Mọi thao tác cấu hình VigorAP 910 (nhấn vào để xem ảnh ở chế độ phóng to).
Bước tiếp theo, là chọn nguồn cấp Wi-Fi, hay nói chính xác là đường ra Internet cho VigorAP 910C.
Khi này, người dùng cần mở mục Wireless LAN (2.4GHz) ở vùng màn hình bên tay trái của giao diện điều khiển, sau đó chọn tiếp tính năng AP Discovery để tìm kiếm các điểm phát sóng không dây khả dụng. Hãy đánh dấu chọn vào SSID mong muốn sử dụng để chia sẻ kết nối Internet, và sau đó nhấn chuột vào nút Select ở ngay sau dòng Select as Universal Repeater.
Khi này, một giao diện mới sẽ xuất hiện, và ở vùng Pass Phrase, người dùng cần nhập vào mật khẩu dùng để VigorAP 910C thực hiện xác thực với mạng Wi-Fi cung cấp kết nối Internet (nếu có). Cuối cùng, nhấn OK để kết thúc.
Sau bước này, về cơ bản là VigorAP 910C đã sẵn sàng "lên sóng". Dẫu thế, để chắc chắn rang mọi kết nối ra Internet đã thông suốt, người dùng có thể chọn mục Online Status, và nếu thấy giao diện thông báo trạng thái kết nối được hiển thị ở tông màu xanh thì điều đó có nghĩa là mọi thứ đã ổn.
Tuy nhiên, người dùng nên dùng máy tính xách tay hay máy tính để bàn kiểm tra thêm trạng thái kết nối ngõ ra Internet (xem hình bên dưới).
Theo ghi nhận, VigorAP 910C mặc định được thiết lập chế độ tự nhận địa chỉ IP (DHCP Client) từ router hay switch cấp kết nối.
Lẽ đương nhiên, người dùng có thể thủ công đặt lại địa chỉ IP cho VigorAP 910, tuy nhiên để thực hiện các thiết lập này thì cần chút kiến thức về quản trị mạng.
Test Lab cũng nhận thấy, không quá khó để tìm thấy trình đơn General Setup để từ đó cấu hình mạng không dây tương ứng ở từng mức băng tần, hay trình đơn Security để thiết lập các chuẩn mã hóa kết nối, số lượng thiết bị mà VigorAP 910 có thể hỗ trợ (tối đa 64 kết nối).
Sau nhiều ngày dùng thử, Test Lab đánh giá cao tính năng quản lý các thiết bị di động trên VigorAP 910, khi có thể chủ động thiết lập không cho phép smartphone hay tablet kết nối vào AP để truy cập Internet, và tính năng này thực sự hữu ích trong môi trường văn phòng, công ty chú trọng đến việc rò rỉ thông tin từ thiết bị di động cá nhân.
Đáng chú ý, nếu chọn mục Block Unknows Connections, VigorAP 910C sẽ không cho phép các thiết bị như IP Camera, đầu ghi DVR hỗ trợ xem qua Internet,... kết nối vào mạng Wi-Fi.
Đại diện DrayTek cho biết, nhà sản xuất này định nghĩa "Unknows Connections" là các thiết bị không sử dụng hệ điều hành.
Ngoài khả năng kiểm soát đăng nhập, VigorAP 910C còn cho phép người dùng thiết lập mức băng thông giới hạn cho từng SSID. Kết quả thử nghiệm tại Test Lab đã cho thấy VigorAP 910C "ép" băng thông cực kỳ chuẩn xác.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến tính năng Band Steering trên VigorAP 910C. Về cơ bản, khi kích hoạt tính năng này, VigorAP 910C sẽ tự động ưu tiên kết nối ở băng tần 5GHz cho thiết bị truy cập vào, ví dụ như iPhone 6S Plus.
Tuy nhiên, lưu ý rằng, để VigorAP 910C hỗ trợ chế độ tự động này thì tên mạng Wi-Fi ở băng tần 2,4GHz và 5GHz phải được đặt giống nhau.
Ngoài các tính năng trên, VigorAP 910C còn cung cấp tính năng tối ưu hóa băng thông Airtime Fairness, chuyển mạng thông minh (roaming) với một/nhiều VigorAP 910C khác, hay khả năng quản lý cân bằng tải giữa các AP với nhau khi kết hợp phần mềm quản lý tập trung APM.